TGĐ Sabeco: Không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa

date
25/04/2024 09:14

TGĐ Sabeco: Không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 25/04, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng bất chấp mối lo rào cản từ Nghị định 100. Tuy nhiên, Sabeco vẫn tin rằng 2024 sẽ mang đến những cơ hội vàng.

Năm 2024 Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100.

Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với thiết kế bao bì, chất lượng... cũng là những áp lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh cho quảng cáo và khuyến mãi.

Quang cảnh trước đại hội của Sabeco. Ảnh: Châu An

Theo Công ty, Nghị định 100 được dự đoán tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay, chưa kể các yếu tố tác động đến chi phí sản xuất kinh doanh như bao bì, nguyên vật liệu, vận chuyển vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia, trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dù vậy, năm 2024 tiếp tục mang đến “cơ hội vàng” cho ngành bia Việt Nam bao gồm cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc "bia không cồn" và tiềm năng về thị trường xuất khẩu.

Nhận thức rõ những thách thức và cơ hội phía trước, năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng 13% doanh thu thuần và 8% lãi sau thuế so với thực hiện 2023, tương ứng đạt 34,397 tỷ đồng và 4,580 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền mặt, tương ứng mức chi 4,489 tỷ đồng.

 

Biểu đồ: Thế Mạnh

Nhìn lại năm 2023, SAB ghi nhận doanh thu thuần 30,461 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,255 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 23% so với nền cao kỷ lục năm 2022. Kết quả này chỉ giúp Công ty thực hiện được gần 76% chỉ tiêu doanh thu và gần 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại đại hội, Tổng Giám đốc Tan Teck Chuan Lester cho rằng kết quả này có nhiều yếu tố tác động. Tình hình tiêu thụ bia tại cả Việt Nam đã giảm mạnh, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Việc thực thi Nghị định 100 cũng đang rất nghiêm ngặt, dẫn đến việc khách hàng cảm thấy ngần ngại hơn. Đây là 2 yếu tố chính ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của Sabeco.

Thông thường việc kinh doanh sẽ có những lúc khó khăn. Sẽ có những cơn mưa rào, giông bão chờ đợi phía trước. Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa” – trích chia sẻ của ông Tan.

Tổng Giám đốc Sabeco Tan Teck Chuan Lester

Ông Tan tiết lộ, kết quả quý 1/2024 vừa nhận được cho thấy thành quả cao hơn so với cùng kỳ, và cũng vượt kỳ vọng của Sabeco. “Tôi kỳ vọng kế hoạch 2024 dù cao hơn, chúng tôi vẫn sẽ đạt được nó”. Sabeco sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng, và ESG. 

Dựa trên kết quả 2023, Sabeco quyết định trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 35%, theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Vào tháng 02/2024, SAB đã chi tạm ứng cổ tức 2023 tỷ lệ 15% bằng tiền, tương ứng chi hơn 1.9 ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch, Công ty sẽ thanh toán cổ tức 2023 lần hai, với tỷ lệ 20% bằng tiền (2,000 đồng/cp) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 05/07 và ngày chi trả dự kiến 31/07/2024.

ĐHĐCĐ 2024 Sabeco. Ảnh: Châu An

Thảo luận:

Có kế hoạch nào phát triển dòng sản phẩm nước khoáng tinh khiết để cạnh tranh với PepsiCo?

TGĐ Tan: Chúng tôi là công ty bia, nên bia là sản phẩm chính. Tuy nhiên, Sabeco cũng có các khoản đầu tư vào đơn vị nước uống khác, như Bình Tây hay Chương Dương. Với Chương Dương, chúng tôi có sản phẩm nước suối rồi. Hiện tại chúng tôi đã cải thiện về chất lượng bao bì sản phẩm, và có kế hoạch phát triển hơn nữa trong năm nay. Hy vọng những cải thiện này sẽ mang lại kết quả tốt.

Động lực tăng trưởng quý 1 là tối ưu hoạt động thương mại

Tăng trưởng chính trong quý 1 có nguyên nhân là gì? Kỳ vọng biên lợi nhuận 2024?

TGĐ Tan: Về động lực tăng trưởng chính cho quý 1, như đã đề cập, đó là việc tối ưu hoạt động thương mại. Hiện tại, đội ngũ bán hàng đã thực hiện rất tốt. Riêng với công tác bán hàng, có những chi tiết nhỏ mà rất quan trọng với thị trường. Chúng tôi biết rằng, đội ngũ này đã phải rất kỷ luật, có kế hoạch làm việc chặt chẽ. Điều này được thể hiện chặt chẽ, xuyên suốt từ hệ thống nhà phân phối cấp 1, đến các cửa hàng tiện lợi và đội ngũ bán hàng bên dưới.

Trong môi trường cạnh tranh này, các đối thủ của chúng tôi sẽ làm tương tự. Vấn đề là ai làm tốt hơn, ai nhanh hơn.

Ngoài ra là câu chuyện chi phí. Chúng tôi luôn tìm cách cắt giảm, sử dụng chi phí hiệu quả. Như vậy, mục tiêu nâng cao biên lợi nhuận luôn là mục tiêu chính của chúng tôi trong năm nay. Ngài Chủ tịch muốn mọi thứ nhanh hơn, cắt giảm chi phí tốt hơn.

Về chi phí bán hàng đã tăng từ quý 1 năm nay so với quý 4 năm trước. Lý do là gì?

TGĐ Tan: Trong quý 1, các hoạt động thương mại chuẩn bị cho dịp Tết nên chi phí bán hàng sẽ cao hơn. Trong nội bộ công ty, chúng tôi có kiểm soát chặt chẽ về chi phí cũng như các chương trình khuyến mãi. Riêng với việc kiểm soát chi phí, chúng tôi không chỉ kiểm soát nội bộ, mà còn có đội ngũ quốc tế để kiểm soát tốt hơn.

Mục đích của Sabeco là mỗi đồng tiền bỏ ra phải mang lại hiệu quả nhiều hơn. Dù tăng chi phí, hiệu quả phải tăng so với trước. Đây là một trong những yếu tố chúng tôi kiểm soát nội bộ, để cải thiện biên lợi nhuận.

Chia sẻ về các khoản lỗ từ đối tác trong quý 1?

Ông Koo Liang Kwee Alan - Phó TGĐ: Các khoản lỗ này đến từ khoản đầu tư vào đơn vị liên kết. Khoản lỗ đầu tiên là đơn vị sản xuất lon nhôm tại Sài Gòn. Lý do vì họ có ít đơn hàng hơn.

Khoản thứ 2 là việc hợp tác với Bình Tây. Họ có khoản lỗ và ghi nhận vào lỗ chung với chúng tôi.

Tuy nhiên, hiện Sabeco vẫn đang làm việc chặt chẽ với các bên để đảm bảo có quý 2 khả quan hơn.

KPMG là đơn vị kiểm toán độc lập cho Sabeco. Cần tuân thủ quy tắc quản trị là thay đổi đơn vị kiểm toán sau 5 năm?

Chủ tịch ủy ban kiểm toán: Đối với Sabeco, nguyên tắc tuân thủ quản trị là rất quan trọng. Tôi có thể khẳng định chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Lần này cũng không ngoại lệ. Việc lựa chọn đơn vị kiểm toán có quá trình và nhiều tiêu chí phải xem xét. Đầu tiên là đảm bảo tính độc lập, và dù có lựa chọn lại một đơn vị cũ, vẫn có sự thay đổi về nhân sự trong bộ phận kiểm toán. Tức là một đội ngũ mới.

Tiêu chí thứ 2 là đơn vị phải đủ năng lực, có tiếng tăm tại Việt Nam, và thường sẽ xoay quanh Big 4 kiểm toán.

Tiêu chí thứ 3, đơn vị này phải có kết quả tốt trước đây, và cũng am hiểu thị trường, am hiểu Sabeco.

Tóm gọn lại, đây là các tiêu chí chúng tôi đánh giá rất gắt gao.

Mục tiêu duy trì thương hiệu bia Sài Gòn ở vị trí số 1

Công ty kỳ vọng thị phần như thế nào năm 2024?

TGĐ Tan: Tôi không muốn nói về điều này lắm, nhưng có thể chia sẻ là kỳ vọng của ngài Chủ tịch cao hơn tôi. Nhìn chung, với các công ty FMCG, vấn đề không phải là chính xác thị phần, mà là vị trí thị phần. Thương hiệu bia Sài Gòn đang là số 1 tại Việt Nam. Mục tiêu kế tiếp là đưa Sabeco lên số 1 và duy trì nó. Đây cũng là nhiệm vụ 2024 của chúng tôi.

Chủ tịch HĐQT Koh Poh Tiong: Bản thân tôi cũng tự tin với mục tiêu mới. Tôi cũng nói với Tan là không cần nhảy chậm nữa, nhảy Rock&Roll luôn đi.

Kênh tiêu thụ mua về ra sao?

TGĐ Tan: Có 2 kênh chính, hiện đại và truyền thống. Với kênh tiêu thụ hiện đại, đó là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Riêng với mảng thị phần, Sabeco đã thành lập mảng chuyên tập trung vào kênh này. Đây cũng là một trong những mảng có hiệu suất hoạt động tốt nhất của Sabeco. Ngoài ra là thương mại điện tử. Đây là các mảng sẽ đóng góp lớn cho chúng tôi trong thời gian tới.

Nhưng cần thấy rằng một phần lớn đến từ kênh truyền thống – như tiệm tạp hoá. Tuy các cửa hàng này là đơn lẻ, nhưng có rất nhiều cửa hàng tại Việt Nam. Khi gộp lại thì là lượng tiêu thụ khổng lồ. Riêng với kênh truyền thống, hướng đi sẽ khác một chút. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với chuỗi cung ứng, trực tiếp với các nhà phân phối cấp 1, phải đảm bảo phát triển về khả năng bán hàng và năng lực bán hàng, cũng như làm việc xuyên suốt chuỗi cung ứng và xuống tận kênh tiêu thụ tạp hoá, cửa hàng.

Không có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ

Kế hoạch mua lại cổ phiếu và chi trả cổ tức năm nay?

Phó TGĐ Koo: Chúng tôi không có kế hoạch mua lại cổ phiếu. Trên thị trường, thanh khoản đã tăng khá nhiều. Cuối năm 2023, Sabeco đã phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1, qua đó tạo điều kiện cho nhiều cổ đông có cơ hội tiếp cận với cổ phiếu SAB.

Với kế hoạch chi trả cổ tức, chúng tôi tiếp tục duy trì kế hoạch 35%. Nhưng vì lượng cổ phiếu lưu hành đã nhân đôi, nên số tiền thực tế cho các cổ đông cũng nhân đôi.

Kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử?

TGĐ Tan: Thực sự, Sabeco bước vào thị trường thương mại điện tử khá trễ, chỉ từ tháng 10/2023. Tuy nhiên rất nhanh, vào cuối tháng 11 và tháng 12, kết quả rất khả quan. Một số nền tảng đã chiếm top 1. Như vậy, thị trường này rất hứa hẹn và tiềm năng với chúng tôi. Hiện tại, có rất nhiều khách hàng am hiểu công nghệ, sử dụng phần mềm mua bán thành thạo, nên chúng tôi cần tập trung nghiên cứu.

Tỷ trọng lợi nhuận trong nước và xuất khẩu?

TGĐ Tan: Tỷ trọng xuất khẩu trong lợi nhuận của chúng tôi khá nhỏ, thấp hơn 1%. Chúng tôi là doanh nghiệp bia nội địa, đây sẽ là thị trường chủ lực. Các hoạt động xuất khẩu chủ yếu để phục vụ đối tác ngoài Việt Nam, nhưng nhìn chung thị trường chính vẫn là trong nước.

Kế hoạch M&A năm tới?

TGĐ Tan: Chúng tôi luôn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội M&A. Đây cũng là cơ hội để tìm hiểu thêm về công ty, về khả năng tăng trưởng nội tại và khả năng M&A. Riêng với thị trường Việt Nam, có một số cơ hội khá hứa hẹn. Nếu như có mức giá hợp lý, chúng tôi sẽ luôn cân nhắc và xem xét.

HĐQT có dự định gì với thuế tiêu thụ đặc biệt có khả năng tăng lên trong thời gian tới?

TGĐ Tan: Chúng tôi được thông báo mức thuế này sẽ không thay đổi cho đến quý tiếp. Chúng tôi cũng cố gắng tìm cách dời lại mức thuế này sang các quý khác, vì muốn đảm bảo về chi phí, thuế cho các doanh nghiệp bia Việt Nam được công bằng hơn với các doanh nghiệp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ về câu chuyện này.

Giá nguyên vật liệu năm nay sẽ cao hơn

Thị phần của Sabeco cuối 2023, và bối cảnh thị trường bia với Nghị định 100. Công ty sẽ làm gì để ứng phó?

TGĐ Tan: Về thị phần, có 2 yếu tố khác nhau: Thị phần thương hiệu, và thị phần công ty. Về thương hiệu, chúng tôi có thị phần số 1 Việt Nam. Trong năm 2023, thương hiệu bia Sài Gòn vẫn tăng trưởng vững chắc.

Với thị phần cả tổng công ty, chúng tôi có sự xáo trộn liên tục với đối thủ chính của mình. Nhưng nếu tính trên quãng thời gian 12 tháng, vừa rồi thị phần của Sabeco đã tăng lên. Riêng về con số chính xác, chúng tôi không thường xuyên được nhận. Nhưng có thể tiết lộ trong quý 1, thị phần vẫn đang tăng.

Về Nghị định 100, đây là yếu tố ảnh hưởng đến toàn thị trường ngành bia. Sabeco cho rằng, đối với những công ty bia đưa sản phẩm vào quán bar, pub sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn, vì đây là các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị định.

Chúng tôi muốn nói rõ ràng, Sabeco ủng hộ Nghị định 100, ủng hộ việc uống có trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi đang làm việc với Hiệp hội bia rượu Việt Nam để bàn thêm về mức 0% nồng độ cồn tuyệt đối, tức có sai số như một số nước khác, thay vì áp dụng triệt để.

Về việc phát triển và nâng cao thị phần, chúng tôi thực chất không muốn chia sẻ thị phần. Chủ tịch muốn tôi gia tăng, chiếm lĩnh thị phần. Để làm được, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 khía cạnh: Tối ưu bán hàng, hiệu quả cung ứng, và hoạt động trách nhiệm với xã hội môi trường (ESG). Việc tập trung này đã mang lại kết quả tích cực trong quý 1.

Đối với dự báo 2024, có phải công ty đã có cải thiện về biên lợi nhuận? Lý do chính là gì?

Phó TGĐ Koo: Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Một là chúng tôi sử dụng nguyên vật liệu mua trước bằng hợp đồng tương lai với giá cao hơn, nên giá nguyên vật liệu năm nay sẽ cao hơn. Ngoài ra có yếu tố từ tỷ giá hối đoái, gây ảnh hưởng đến giá nguyên liệu.

Tuy nhiên, như ông Lester đã trình bày, chúng tôi sẽ bảo vệ biên lợi nhuận của mình, tập trung vào hoạt động sản xuất và ESG.

Giá nguyên vật liệu như yến mạch, lon nhôm… đã được dự phòng rủi ro đến mức nào? Giá nguyên vật liệu năm nay ra sao?

Phó TGĐ Koo: Câu hỏi này lại đi về câu chuyện biên lợi nhuận lúc trước. Các hợp đồng mua đều đã được ký mua từ năm trước, và sẽ được sử dụng trong năm nay. Hiện tại, giá nguyên vật liệu năm nay khá tốt, chúng tôi sẽ sử dụng và hưởng lợi trong năm 2025.

Tuy nhiên, dù chi phí hàng bán có thể tăng lên, chúng tôi vẫn có phương án kiểm soát biên lợi nhuận và có những giải pháp đảm bảo hiệu quả. Có thể là tiết giảm sử dụng nguyên vật liệu, hoặc có chính sách bán hàng tốt hơn. Nếu thật sự cần thiết, có thể chúng tôi sẽ tăng giá sản phẩm.

Đại hội kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.

Bài cập nhật

Châu An

FILI