Gas Petrolimex trước bài toán giữ vững thị phần, tăng năng lực cạnh tranh

date
16/04/2024 15:26

Gas Petrolimex trước bài toán giữ vững thị phần, tăng năng lực cạnh tranh

Ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP (HOSE: PGC) khẳng định quan điểm của PGC là phải song song tiến hành cả hai giải pháp vừa giữ vững thị phần, củng cố thương hiệu, vừa đảm bảo tính hiệu quả, đạt mức cao trên thị trường đối với các doanh nghiệp cùng ngành.

"Thị phần của chúng ta trong những năm vừa qua liên tục giảm sút, hiện cũng không phải thuộc top cao trong thị trường", lời chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Quang Định tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PGC được tổ chức sáng 16/04.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PGC tổ chức sáng 16/04 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Mạnh

Đề xuất trả cổ tức tối thiểu 10% để dành nguồn lực phát triển thị phần

Tại Đại hội, các cổ đông PGC đặc biệt dành sự quan tâm đến vấn đề chia cổ tức. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12% (1,200 đồng/cp), tương ứng dự chi gần 72.5 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số cổ tức sẽ "chảy" vào túi của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSEPLX) - công ty mẹ sở hữu hơn 52% vốn của PGC.

Đây cũng là mức cổ tức thấp nhất 6 năm qua của PGC kể từ năm 2018. Không dừng lại ở đó, Công ty còn dự kiến chia cổ tức năm 2024 tối thiểu 10%. Vấn đề này trở thành nội dung được cổ đông chất vấn Ban quản trị.

Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch HĐQT PGC cho biết, sau nhiều năm, Tổng Công ty trả cổ tức tương đối cao, tất cả các cổ đông ai cũng mong muốn cổ tức duy trì mức cao hay theo xu hướng năm sau tốt hơn năm trước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường kinh doanh năm 2024 còn rất nhiều thách thức và sau khi cân nhắc, rà soát các định hướng dài hạn của Công ty, đặc biệt về vấn đề phát triển thị phần, Ban lãnh đạo mạnh dạn đề xuất cổ tức tổi thiếu 10%. "Khi đạt lợi nhuận cao thì chắc chắn chúng tôi sẽ chia cổ tức cao hơn, mong cổ đông chia sẻ quan điểm này", ông Định bày tỏ.

Chủ tịch PGC phân trần, thị phần của Công ty trong những năm qua liên tục giảm sút, hiện cũng không thuộc top cao trong thị trường. Trong khi đó, quan điểm của Công ty là phải song song tiến hành cả hai giải pháp vừa giữ vững thị phần, củng cố thương hiệu vừa đảm bảo tính hiệu quả, đạt mức cao trên thị trường đối với các doanh nghiệp cùng ngành.

PGC chú trọng phát triển mở rộng mạng lưới, trong năm 2024 sẽ chịu phí đầu tư ban đầu, hiệu quả mang lại ở giai đoạn sau, điều này cần đòi hỏi sự kiên trì. Việc mở rộng cũng yêu cầu quản lý hiệu quả, nếu không kiểm soát cũng không mang hiệu quả cao được. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu và giao chỉ tiêu đơn vị trực thuộc phát triển 120-130 cửa hàng gas, đồng thời tăng mạng lưới lên 500-600 đại lý cấp 2 để tăng độ phủ.

Mục tiêu lãi trước thuế 2023 tăng nhẹ 2%, biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát

Về các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024, PGC đặt mục tiêu doanh thu thuần đi ngang mức 3,550 tỷ đồng - xây dựng trên cơ sở giá khí hóa lỏng (LPG) thế giới bình quân giảm 5% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế dự kiến 138 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2023. 

Ông Nguyễn Hữu Quang - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PGC nhận định, công tác nguồn hàng của Công ty gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp và khó dự đoán của giá LPG thế giới do chịu sự tác động của giá dầu thô cũng như yếu tố cung cầu, vận chuyển... 

Nhu cầu tiêu thụ LPG tiếp tục chịu tác động không thuận lợi từ Nghị định 100 khi làm sụt giảm nhu cầu sử dụng bình gas thương mại trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (nhà hàng, quán ăn). Đối với lĩnh vực dân dụng, tại khu vực thành thị, thành phố lớn, xu hướng sử dụng sản phẩm bếp từ, bếp điện thay thế bếp sử dụng LPG ngày càng phổ biến.

"Trong điều kiện cầu giảm xuống chứ không phải đánh mất thị trường, không còn cách nào khác là phải đưa ra chỉ tiêu tăng số lượng khách hàng, bên cạnh việc phát triển mạng lưới điểm bán để bù đắp sản lượng cầu tiêu dùng", Tổng Giám đốc PGC cho hay.

Bên cạnh đó, do tình hình thiếu tàu vận chuyển LPG lạnh và tắc nghẽn tại kênh đào Panama khiến giá cước vận chuyển, chi phí nhập khẩu LPG về khu vực phía Bắc năm 2024 tăng rất mạnh và đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác đàm phán bán hàng cho các khách hàng công nghiệp, đặc biệt đối với các khách hàng có sản lượng tiêu thụ lớn, các khách hàng mua hàng qua đấu thầu.

Trả lời câu hỏi biến động tỷ giá có ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh hay không, CEO Nguyễn Hữu Quang cho rằng vấn đề tỷ giá ảnh hưởng không đáng kể. Mặc dù năm nay khó khăn nhưng tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng tình hình tài chính của Công ty. 

Về biện pháp giảm thiểu tác động rủi ro tỷ giá, người điều hành PGC cho biết Công ty sẽ tăng tỷ trọng hàng nội. Tại thời điểm hiện tại, toàn bộ khu vực miền Nam, miền Tây và miền Trung, Công ty đều nhập 100% hàng nội có chất lượng cao tương đương hàng nhập khẩu. Còn ở miền Bắc, PGC hiện nhập khẩu 80% và 20% hàng nội, nếu tính bình quân toàn Công ty là 50% hàng nội, 50% hàng ngoại. Do đó, cách thức xử lý vấn đề tỷ giá của Công ty sẽ điều chỉnh cơ cấu nguồn hàng tăng tỷ trọng hàng nội địa, giảm hàng nhập khẩu. 

Thế Mạnh

FILI