ĐHĐCĐ Victory Capital: 2 nhà đầu tư cho vay 1,000 tỷ đồng là ai?

date
26/04/2024 15:58

ĐHĐCĐ Victory Capital: 2 nhà đầu tư cho vay 1,000 tỷ đồng là ai?

Một tổ chức và một cá nhân sẽ cho PTL vay lần lượt 300 và 700 tỷ đồng bằng tín chấp trong tối đa 12 tháng, lãi suất 7.5%/năm. Công ty sẽ trả nợ bằng tiền hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Victory Capital (HOSE: PTL) đã thông qua vay 1,000 tỷ đồng từ hai nhà đầu tư. Số tiền dự kiến dùng để góp vốn vào các công ty con nhằm đầu tư dự án, phát triển quỹ đất, mua bán sáp nhập và bổ sung vốn lưu động.

Tân Chủ tịch HĐQT phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Victory Capital tổ chức sáng 26/04 tại quận 7. Ảnh: Tử Kính

Tập trung khai thác tòa nhà Victory Tower

Trước thềm đại hội, HĐQT PTL đã bầu ông Lê Hào cho vị trí Chủ tịch sau khi ông Nguyễn Tấn Thụ nộp đơn từ nhiệm cách đây vài ngày.

Phát biểu tại đại hội, tân Chủ tịch PTL nhận định sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc gần đây đã tác động rất lớn đến thị trường Việt Nam, và đặc biệt là thị trường địa ốc.

Theo đánh giá của ông Hào, thị trường địa ốc năm 2024 nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên sẽ phục hồi trở lại vào năm 2025, 2026. Năm nay, PTL sẽ tập trung kiện toàn lại các tài sản khai thác của Công ty, đặc biệt là tòa nhà Victory Tower số 12 Tân Trào, quận 7. Riêng mảng khai thác tài sản này sẽ đem lại cho PTL hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, PTL sẽ tập trung và tìm kiếm nguồn đất sạch để làm tiền đề phát triển dự án. Cũng như tìm mua những công ty có đủ tiềm lực để tập trung vào xây dựng hệ sinh thái bất động sản.

Lãnh đạo cho biết sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính gồm phát triển dự án bất động sản, dịch vụ nhà phát triển dự án, tổng thầu xây dựng và khai thác bất động sản cho thuê.

“Victory Capital đã phòng thủ và đứng vững trong giai đoạn khó khăn nhất và bây giờ là cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Hào lạc quan.

Năm 2024, PTL sẽ tiếp tục công tác quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower. Hoạt động cho thuê khai thác văn phòng tại đây là nguồn thu chính của Công ty trong năm ngoái.

Theo PTL, dù đã hết thời hạn hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà từ đầu năm 2023 nhưng Công ty Sao Kim (đơn vị được Công ty VCG thuê từ năm 2017) chưa bàn giao lại cho PTL và vẫn tiếp tục thực hiện công tác quản lý vận hành mà không được sự đồng ý của Công ty, khiến doanh thu biến động đáng kể so với năm 2022.

Công ty đang lên kế hoạch tìm kiếm khách hàng, lên phương án khai thác kinh doanh đối với các mặt bằng trống tại tòa nhà Victory Tower, mặt bằng khu thương mại tầng 2-3 chung cư Mỹ Phú, diện tích các tầng hầm thuộc sở hữu riêng của Công ty tại chung cư Mỹ Phú, chưng cư quận 2 và tòa nhà Victory Tower,…

Doanh nghiệp bất động sản dự kiến tăng vốn điều lệ lên 2,000 tỷ đồng, gấp đôi con số hiện tại, đồng thời lạc quan về mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, PTL đặt kế hoạch doanh thu và thu nhập khác gần 160 tỷ đồng, gấp 8 lần thực hiện năm 2023; lãi trước thuế 42 tỷ đồng, gấp 16.8 lần.

Diễn biến doanh thu và lãi ròng của PTL từ năm 2016 đến nay

Vay 1,000 tỷ đồng từ hai nhà đầu tư và phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ

Được đại hội thông qua, PTL sẽ triển khai phương án vay 1,000 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty con nhằm đầu tư dự án và phát triển quỹ đất, mua bán sáp nhập và bổ sung vốn lưu động.

Cụ thể, PTL sẽ góp 574 tỷ đồng vào công ty con CTCP Đầu tư Bất động sản Tiến Phát Đạt; góp 289 tỷ đồng vào công ty con CTCP Bất động sản Phúc Khang Gia và góp 12 tỷ đồng vào công ty con CTCP Bất động sản Tân Long Phát để thực hiện đầu tư dự án và phát triển quỹ đất, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư mua bán dự án. Phần còn lại 125 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.

CTCP Grand House và ông Lê Thế Tình sẽ cho vay số tiền lần lượt 300 tỷ đồng và 700 tỷ đồng. Đây là 2 trong 5 nhà đầu tư xuất hiện trong danh sách PTL công bố phát hành cổ phiếu riêng lẻ hồi giữa năm 2023, và theo lãnh đạo cho biết hai nhà đầu tư này không có mối quan hệ nào với Công ty.

Các khoản vay trên không có tài sản đảm bảo, lãi suất 7.5%/năm và thời hạn vay tối đa 12 tháng. Hình thức trả nợ bằng tiền hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và khả năng sẽ thực hiện trong năm nay.

CTCP Grand House thành lập vào năm 2022 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có địa chỉ trụ sở chính tại 150 Trần Não, phường An Phú, Thành phố Thủ Đức. Công ty này đăng ký hoạt động chính kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương là cổ đông sáng lập lớn nhất của Grand House nắm 99.98% vốn, phần còn lại chia đều cho Nguyễn Kiều My và Phạm Ngọc Linh. Bà Phương (sinh năm 1990) cũng làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Grand House.

Đại hội cũng thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 1,000 tỷ đồng nói trên. Dựa trên giá đóng cửa trung bình 60 phiên (từ ngày 10/01/2024 đến ngày 09/04/2024) là 4,064 đồng/cp. Giá trị sổ sách của Công ty tính đến cuối năm 2023 là 4,777 đồng/cp. Tỷ lệ hoán đổi nợ được xác định là 10,000 đồng/cp hoán đổi 1 cổ phần phổ thông.

Sau hoán đổi, hai chủ nợ là CTCP Grand House và ông Lê Thế Tình sẽ nắm lần lượt 15% và 35% vốn PTL. Giá trị nợ còn lại của Công ty với các chủ nợ sau hoán đổi bằng không. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.

Đại hội lần này thực hiện bầu 2 Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026, gồm ông Nguyễn Huỳnh Nguyên Chương và ông Lê Văn Trọng (sinh năm 1986). Ông Chương do cổ đông lớn Đỗ Thị Hiền (sở hữu 23.96%) đề cử, trong khi đó ông Trọng được đề xuất bởi cổ đông lớn Nguyễn Văn Vinh (sở hữu 20.1%). Hiện tại, cả hai đều không đảm nhiệm chức vụ nào tại PTL.

PTL ra mắt Thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ảnh: Tử Kính

* Chủ tịch Victory Capital “nối gót” loạt Thành viên HĐQT xin từ nhiệm

Tử Kính

FILI