ĐHĐCĐ TPC: Kế hoạch 2024 lãi sau thuế 8 tỷ đồng, thanh lý bất động sản để bù lỗ

date
26/04/2024 16:48

ĐHĐCĐ TPC: Kế hoạch 2024 lãi sau thuế 8 tỷ đồng, thanh lý bất động sản để bù lỗ

Sáng ngày 26/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (HOSE: TPC) đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng, gồm việc bán động sản (BĐS) tại Long An để bù lỗ.

ĐHĐCĐ TPC sáng ngày 26/04

Lãnh đạo nói về khoản lỗ nặng nhất trong 45 năm

Nhìn lại kết quả năm 2023, sản lượng bao bì của Công ty đạt 12,363 tấn, giảm 37% so với năm trước đó. Doanh thu thuần ở mức 567 tỷ đồng, giảm 45%. Lỗ ròng gần 49 tỷ đồng. Do lỗ nên TPC không chia cổ tức năm 2023 và được ĐHĐCĐ thông qua.

Đây là lần đầu tiên trong 45 năm từ khi thành lập đến giờ Công ty lỗ nặng và không xoay chuyển kịp”, ông Phạm Trung Cang - Phó Chủ tịch HĐQT bày tỏ.

Ông cho biết nguyên nhân do ảnh hưởng bởi kinh tế toàn sau đại dịch COVID-19, sức mua giảm và sau đó là chiến tranh Nga-Ukraine. Cả thế giới chao đảo, từ khủng hoảng suy thoái, tiến tới lạm phát, tất cả mọi thứ đều tăng giá một cách điên cuồng, trong đó có nguyên liệu sản xuất bao bì là hạt nhựa PP, PE; và Công ty đã mua dự trữ nguyên liệu khi giá ở mức rất cao.

Nguyên tắc là Công ty lúc nào cũng phải có dự trữ và phải mua nguyên liệu dự trữ từ 1 tới 3 tháng để khi ký được hợp đồng, nguyên liệu có ngay. Đặc điểm của chúng ta nguyên liệu phải nhập khẩu, với tình hình kinh tế thế giới biến động khôn lường và giá cả lên như vậy, nếu không tồn kho thì rất khó khăn trong vấn đề sản xuất kinh doanh, nên HĐQT và Ban Giám đốc mới quyết định tồn kho hạt nhựa trong quý 4/2022 khi giá chung thế giới lúc đó đang rất cao”, ông nói.

Ông nói thêm, sau năm 2022, tình hình kinh tế giới xoay chuyển đột ngột, từ giá cả tăng vọt sang bắt đầu suy thoái, không buôn bán được, giá cả rớt theo đường thẳng. Đến quý 1/2023 thì giá bao bì rớt khoảng 30% so với giá tồn kho. Thị trường xuất khẩu cũng đột ngột giảm đơn hàng, kể cả những đơn hàng khách hàng siêu thị (túi shopping), họ trì hoãn hoặc thậm chí hủy đơn hàng. Trong khi, thị trường nội địa có sức mua kém, các đối thủ cạnh tranh đua nhau giảm giá, duy trì hoạt động để sinh tồn. Trong bối cảnh đó, TPC cũng không làm gì khác, chấp nhận bán lỗ một ít để duy trì công ăn việc làm.

Chưa kể, lãi suất ngân hàng tăng, các đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột, nguồn thu ngoại tệ về không kịp. Trước đây, HĐQT chủ trương TPC vay toàn bộ bằng USD để lãi suất rẻ, nhưng do chủ quan cân đối được nguồn USD xuất khẩu và nợ vay nên Công ty vay USD và không vay tiền đồng; khi tỷ giá tăng vọt, làm lỗ tỷ giá từ 7-8 tỷ. Trong bối cảnh xuất khẩu chững lại, không có đơn hàng, TPC vẫn phải trả nợ tới hạn, vay tiền đồng mua USD giá cao để trả nợ vay USD đến hạn.

Đặt kế hoạch khiêm tốn 8 tỷ đồng năm 2024, đã giảm hơn một nửa lượng công nhân

Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tổng sản lượng bao bì 8,323 tấn, tổng doanh thu bao bì 303.7 tỷ đồng, và lãi sau thuế 8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TPC cũng trình cổ đông việc giảm trích chi phí khấu hao năm 2024, từ 50-70%/tổng chi phí khấu hao, nếu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ; và trình việc bổ sung vốn góp vào Công ty con là Công ty TNHH TĐH từ 45 tỷ lên 100 tỷ, để phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty con. Các nội dung này đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Chúng tôi xây dựng kế hoạch lãi 8 tỷ chỉ là thuần túy của năm 2024, chứ không bù được lỗ năm 2023 mà bù lỗ nằm trong tờ trình bán BĐS”, vị Phó Chủ tịch trả lời cho băn khoăn của cổ đông liệu kế hoạch năm 2024 có quá lạc quan hay không.

Ông nói việc bán BĐS còn nhằm bổ sung vốn lưu động, giảm vay ngân hàng, nguồn USD ít mà không xuất khẩu được nhiều. Thời gian trước, có 65% là xuất khẩu và 35% là nội địa, nhưng hiện tại xuất khẩu chỉ còn 10-15% và thị trường nội địa cũng sụt giảm. Do đó, ban lãnh đạo rút kinh nghiệm, không vay USD, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa thì phải vay tiền đồng với lãi suất cao hơn.

Bên cạnh đó, Công ty cũng cấu trúc lại những sản phẩm sức mua giảm, không hiệu quả, vòng quay vốn quá chậm. Chẳng hạn như đã giảm sản lượng từ 6-7 triệu bao shopping có lúc xuống bằng 0, bây giờ duy trì lại khoảng 1 triệu bao mỗi tháng. Sau quá trình HĐQT cùng Ban Giám đốc tái cấu trúc, giảm biên chế các bộ phận không cần thiết, những mặt hàng không hiệu quả, số lượng công nhân từ giảm từ 700 xuống còn hơn 300 hiện nay.

Khi quyết định giảm biên chế, chúng tôi cũng rất đau đớn, rất đau buồn khi phải chia tay với những anh, chị, em công nhân từng gắn bó với mình. Đối với anh em còn duy trì hiện nay, lương được khoán theo sản phẩm, thu nhập thực tế từ 10-12 triệu, thấp hơn nữa sống không nổi.

Đối với cán bộ thì khá hơn. Vừa rồi Ban Giám đốc Công ty, chúng tôi đã giảm lương liên tục để làm gương. Lãnh đạo thì phải chịu khó khăn. Đối với anh em công nhân không giảm lương, khó quá thì giảm biên chế, những người còn lại không giảm nữa. HĐQT không có lãi thì không nhận thù lao”, ông Cang nói.

Do đó, HĐQT đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch việc HĐQT và BKS thống nhất không hưởng tiền thù lao năm 2024 do kết quả kinh doanh năm 2023 bị lỗ và nền kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn, tiết giảm chi phí cho Công ty. Năm 2023, tổng thù lao cho HĐQT và BKS là 700 triệu đồng.

Sau cùng, ông Cang cho biết HĐQT và Ban Giám đốc đã trực tiếp đi marketing, làm việc với từng khách hàng, nắm nhu cầu và thương thảo giá tốt nhất có thể bán được. Mục tiêu năm 2024 là kinh tế còn nhiều khó khăn nhiều yếu tố không lường được nên mới xây dựng kế hoạch như trên.

Cập nhật tình hình kết quả quý 1, Công ty có lãi khoảng 1.7 tỷ đồng, do ảnh hưởng của Tết nên chi phí nhiều, hy vọng quý 2 khá hơn. Tháng 4, Công ty đã ký thêm được 1 số hợp đồng nội địa, so với những tháng của quý 1 thì cao hơn, do đó hợp đồng trong quý 2 sẽ tăng. Mặt khác, khách hàng Mỹ đã đặt thêm khoảng 14 container sản phẩm vải địa kỹ thuật (làm đê điều chống lũ lụt), Công ty có thể hoạt động sản xuất trong vòng 2-3 tháng. Đây là sản phẩm đạt chuẩn nên tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt.

Muốn thanh lý BĐS bù lỗ

Một trong những nội dung quan trọng được thông qua là ủy nhiệm cho HĐQT về việc thanh lý tài sản là BĐS tọa lạc tại C11-C15 Cụm công nghệ nhựa Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, để khắc phục lỗ. Đồng thời, bên mua tài sản là BĐS cam kết cho bên bán được quyền thuê lại, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một lần nữa giải đáp cho cổ đông, ông Cang thông tin rằng bất động sản này khi xưa mua với giá 150 tỷ; và sau khi cổ đông thông qua đầu tiên sẽ thuê công ty định giá độc lập để định giá tài sản và sau đó sẽ công bố công khai, thông qua một công ty bán đấu giá để tìm được một khách hàng mua với giá tốt nhất, điều kiện kèm theo là cho TPC thuê lại để duy trì hoạt động.

Kha Nguyễn

FILI