Dầu đứt mạch 2 tuần giảm liên tiếp

date
27/04/2024 06:41

Dầu đứt mạch 2 tuần giảm liên tiếp

Giá dầu tăng vào ngày thứ Sáu (26/04) và kết thúc chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp, thu hút sự hỗ trợ từ những lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/04, hợp đồng dầu WTI tiến 28 xu (tương đương 0.34%) lên 83.85 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 49 xu (tương đương 0.55%) lên 89.50 USD/thùng. Dầu WTI tăng 0.85% trong tuần này, còn dầu Brent vọt 2.53%.

Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0.3% trong tháng trước, trùng khớp với mức tăng của tháng trước.

Trong 12 tháng tính đến tháng 3, lạm phát tại Mỹ tăng 2.7% sau khi tăng 2.5% vào tháng 2. Mức tăng của tháng trước nhìn chung phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có mục tiêu lạm phát là 2%. Ngân hàng trung ương Mỹ được dự báo sẽ giữ lãi suất không đổi tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

John Kilduff, Đối tác với Again Capital LLC, nhận định: “Dữ liệu kinh tế sáng nay đủ để những người tham gia thị trường kết luận rằng Fed sẽ không sớm hạ lãi suất. Những bất ổn địa chính trị trên thị trường là điều giúp chúng ta tiếp tục phát triển. 2 yếu tố cạnh tranh đó sẽ giúp chúng ta luôn trong tầm kiểm soát”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Reuters vào ngày 25/04 rằng tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý đầu tiên có thể được điều chỉnh cao hơn, và lạm phát sẽ giảm sau một loạt các yếu tố “đặc biệt” khiến nền kinh tế ở mức yếu nhất trong gần 2 năm.

Trong khi đó, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 34 năm so với đồng Yên Nhật (JPY) vào ngày thứ Sáu, một phần được củng cố bởi dữ liệu lạm phát của Mỹ.

Mối lo ngại về nguồn cung đã hỗ trợ giá dầu khi căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, cho biết bất kỳ phán quyết nào của Toà án Hình sự Quốc tế, cơ quan đang điều tra cuộc tấn công ngày 07/10/2023 của Hamas nhằm vào Israel và cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza, sẽ không ảnh hưởng đến hành động của Israel nhưng sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm”.

Yếu tố địa chính trị vẫn đang mang lại sự hỗ trợ và giúp bù đắp áp lực tiêu cực từ dữ liệu lạm phát.

An Trần (theo CNBC)

FILI