Người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng

date
29/03/2024 09:53

Người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng

Xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp tục được duy trì trong quý 1/2024 khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 25/03/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0.76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2.17%). Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0.26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1.99%).

Tiếp nối đà giảm lãi suất từ cuối năm 2023, xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay tiếp tục được duy trì. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam trong tháng 2/2024 của Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0.2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 2.2-3.1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5.3-5.6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6.8-7.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6.9-7.3%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7.7-9.9%/năm. Tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Đến ngày 25/03/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24,015 VNĐ/USD, tăng 0.62% so với cuối năm 2023. Tỷ giá niêm yết mua - bán của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ở mức 24,570-24,940 VNĐ/USD, tăng 2.13-2.16% so với cuối năm 2023.

Về tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 25/03/2024, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 26,333 tỷ đồng, với hơn 540 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 338,642 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2023 với hơn 6.8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

Khang Di

FILI