FPT Retail lên kế hoạch thế nào sau một năm lợi nhuận “buồn”?

date
26/03/2024 18:39

FPT Retail lên kế hoạch thế nào sau một năm lợi nhuận “buồn”?

Khép lại năm 2023 với lần đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) lên kế hoạch chuyển lỗ thành lãi 125 tỷ đồng, bổ sung 4 ngành nghề mới, tuy nhiên quyết định không chia cổ tức cho cả năm 2023 và 2024.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, HĐQT FRT dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch doanh thu thuần 37.3 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2023, trong đó doanh thu từ chuỗi FPTShop đi ngang còn chuỗi Long Châu tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Sau khấu trừ các chi phí, FRT kỳ vọng lãi trước thuế 125 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ hơn 294 tỷ đồng.

Với chuỗi cửa hàng FPTShop đã làm nên tên tuổi cho FRT nhưng đang gặp phải vô vàn khó khăn, Công ty cho biết sẽ đóng một số cửa hàng không tốt nhằm tập trung nâng cao hiệu quả của các cửa hàng hiện hữu; đưa thêm các mặt hàng, dịch vụ khác vào các cửa hàng FPTShop hiện hữu như đồ gia dụng, tivi, điều hòa… phát triển thêm dịch vụ MVNO (mạng di động ảo) sau khi đã bắt đầu mở bán sim mang thương hiệu FPT kể từ đầu năm 2024, giúp nâng cao tần suất khách hàng đến shop và cải thiện biên lãi gộp trong các năm tới; ngoài ra, FRT cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào kênh online, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào bán hàng, đào tạo, quản lý.

Còn với chuỗi Long Châu, sau thành công của năm 2023, bước sang năm 2024, FRT cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thêm 400 nhà thuốc mới, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 1,900 vào cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, FRT cũng đặt mục tiêu mở mới 100 trung tâm vaccine trong năm 2024, tiên phong phát triển các dịch vụ LC 24/7, bảo hiểm, thuốc hiếm-thuốc khó.

Kỳ vọng hồi phục đến sau khi FRT vừa trải qua một năm khó khăn và tạo ra kỷ lục buồn. Cụ thể, năm 2023, FRT mang về gần 32 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% với động lực chính từ chuỗi FPT Long Châu tăng đến 66%, đóng góp 50% cơ cấu doanh thu, đồng thời tiếp tục mở rộng thêm 560 cửa hàng, nâng tổng số lên 1,497 nhà thuốc. Ngược lại, chuỗi FPT Shop đi lùi 22%, giảm 31 cửa hàng, trong đó một số nơi chuyển mặt bằng sang chuỗi Long Châu.

Sau khi trừ chi phí, FRT chuyển lỗ trước thuế hơn 294 tỷ đồng và lỗ ròng 346 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên lỗ kể từ khi lên sàn.

* Năm nhiều kỷ lục buồn của "ông lớn" kinh doanh điện thoại, điện máy

FRT lần đầu lỗ ròng kể từ khi niêm yết vào năm 2018

Kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2023 cũng là một yếu tố dẫn đến quyết định không chia cổ tức bằng tiền mặt, cổ phiếu như những năm trước. Theo FRT, quyết định trên nhằm đảm bảo duy trì tốt hoạt động kinh doanh, tập trung tiếp tục mở rộng mạnh mẽ chuỗi cửa hàng Dược phẩm Long Châu cũng như việc thử nghiệm các dự án mới.

Còn với năm 2024, dù đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, nhưng HĐQT vẫn sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt. Còn kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu chưa được FRT đề cập.

“Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm tương đối khó khăn đối với thị trường bán lẻ các mặt hàng điện tử, đồng thời với nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng chuỗi Long Châu và các dự án khác”, FRT chia sẻ.

Nếu kế hoạch này thông qua, FRT sẽ có 2 năm liên tiếp không trả cổ tức bằng tiền mặt, trong khi chia khá đều đặn những năm trước đó, bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.

Lịch sử cổ tức những năm trước của FRT

Một thông tin đáng chú ý khác cũng sẽ được trình ĐHĐCĐ thông qua, liên quan đến sửa đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh. Theo đó, FRT sẽ bổ sung 4 ngành nghề mới, bao gồm hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình khác; cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển.

FRT lý giải, việc mở rộng thêm ngành mới nhằm tận dụng lợi thế có sẵn các sản phẩm tồn kho và nhân sự cung ứng dịch vụ, giúp gia tăng doanh thu.

Huy Khải

FILI