Duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu FGL

date
26/03/2024 14:54

Duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu FGL

HNX có quyết định duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu FGL do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trên cơ sở xem xét BCTC năm 2023 đã được kiểm toán của CTCP Cà phê Gia Lai (UPCoM: FGL). Đồng thời yêu cầu FGL phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục trong vòng 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo.

Cụ thể, BCTC năm 2023 của FGL được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues). Đơn vị kiểm toán cho biết FGL đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa. Do đó số liệu trên BCTC các năm trước có thể thay đổi khi có quyết định phê duyệt chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

FGL cho biết vẫn đang tiếp tục thực hiện và phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai để hoàn tất biên bản bàn giao tài sản nhưng tiến độ hơi chậm, đồng thời sẽ khẩn trương hoàn thành việc này để Công ty có cơ sở quản lý tài sản và ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.

Ở thời điểm chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước đã thoái vốn vượt quá 24 tỷ đồng. Theo kiểm toán, khoản chênh lệch về thoái vốn trên được ghi nhận vào khoản phải thu và khoản phải thu này có thể thay đổi khi quyết toán chính thức việc chuyển giao vốn cho công ty cổ phần. Phía FGL cho hay đang tạm thời ghi nhận sang khoản mục "Phải thu về cổ phần hóa" và đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có ý kiến về khoản lỗ này, do đó số liệu chính thức sẽ tùy thuộc vào quyết định của UBND tỉnh Gia Lai và các cấp có thẩm quyền.

Giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần chưa nhận được quyết định chính thức cũng để lại một số vướng mắc về thủ tục, đặc biệt liên quan đến nghĩa vụ thuế.

Chẳng hạn nợ tiềm tàng, tiền thuê đất (hơn 8 tỷ đồng) và phạt chậm nộp (khoảng 2.5 tỷ đồng) tại huyện Ia Grai và huyện Chư Sê theo thông báo của cơ quan Thuế chưa được FGL ghi nhận đầy đủ vào chi phí hoạt động các năm trước, một phần do chưa thống nhất nghĩa vụ phải nộp và đang làm thủ tục trao đổi lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán.

Theo FGL, đây là khoản tiền thuê đất phát sinh trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước, không nằm trong phương án cổ phần hóa, không nằm trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc Chi cục Thuế tính tiền thuê đất trên cả phần diện tích đất đã được UBND tỉnh giao về cho địa phương quản lý là chưa phù hợp.

Kiểm toán Vietvalues còn cho rằng việc HĐQT FGL sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho Công ty để đảm bảo khoản vay của CTCP Chè Biển Hồ (chung công ty đầu tư) tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – chi nhánh Gia Lai là chưa phù hợp với các quy định liên quan. Còn FGL lại cho rằng đây là tài sản thuộc sở hữu của Công ty được dùng để thế chấp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của cả FGL lẫn Chè Biển Hồ.

Chưa hết, kiểm toán còn nhấn mạnh về yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của FGL do thời điểm cuối năm 2023 đang lỗ lũy kế 87 tỷ đồng, nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn 12 tỷ đồng.

Cổ phiếu FGL bị đưa vào diện cảnh báo bắt đầu từ ngày 03/04/2023 do BCTC năm 2022 bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Diễn biến lãi ròng, tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn của FGL từ năm 2014 đến nay

Tử Kính

FILI