“Cú đấm thép” của Hoà Phát dần thành hình, lò cao mới có điểm gì khác biệt?

date
27/03/2024 08:02

“Cú đấm thép” của Hoà Phát dần thành hình, lò cao mới có điểm gì khác biệt?

Hơn 200 nhà đầu tư từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty chứng khoán cho đến các nhà đầu tư cá nhân đã tham gia chuyến tham quan Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất do Hoà Phát tổ chức vào ngày 26/03.

Được Chủ tịch Trần Đình Long mô tả là "cú đấm thép" của Hoà Phát, dự án Dung Quất 2 có quy mô trên 280 ha, với tổng vốn đầu tư 85,000 tỷ đồng. Công suất thiết kế là 5.6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao mỗi năm.

 

Toàn cảnh dự án Dung Quất 2

Lò cao mới có gì khác biệt?

Một điểm đáng chú ý là lò cao của Dung Quất 2 có thể tích lớn hơn gấp đôi so với lò cao của Dung Quất 1. Theo ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Hoà Phát, việc sở hữu lò lớn hơn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình sản xuất.

Trong công nghệ sản xuất lò cao, lò càng lớn sẽ giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm tiêu hao than, điện... Về mặt môi trường, lò cao lớn sẽ đáp ứng tiêu chí môi trường cao hơn, không chỉ cho lò cao mà còn cho toàn bộ khu liên hợp. Về chất lượng, lò lớn sẽ hoạt động ổn định hơn, từ đó sản phẩm có chất lượng cao hơn.

"Khi chúng tôi đầu tư vào dự án Dung Quất 2, chúng tôi cũng hướng tới sản phẩm thép chất lượng cao, như thép sản xuất vỏ ô tô, thép silic, thép có hàm lượng carbon thấp và có tính biến dạng cao - cần cho các ngành sản xuất vỏ đồ hộp, cần sản phẩm đầu cuối rất mỏng", ông Thọ chia sẻ.

Tiến độ dự án đã vượt 50%

Lãnh đạo Công ty cho biết rằng đến tháng 3/2024, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành hơn 50% toàn bộ các hạng mục chính. Các hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, và nhà máy cán thép HRC đã hình thành và hoàn thành 50-70% về kết cấu. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng, hiện Hoà Phát xuất khẩu tới 50% sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC), trong khi thép xây dựng chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Sản lượng thép từ Dung Quất 1 đã được bán hết thông qua tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Để chuẩn bị cho phần công suất tăng thêm, Hoà Phát đã lên kế hoạch mở rộng thị trường sang Trung Đông, châu Phi và Mỹ, bên cạnh các thị trường hiện tại như EU, Mexico và Đông Nam Á. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường cũng nhằm tránh trường hợp xuất khẩu quá nhiều vào một vài thị trường và bị áp thuế phòng vệ thương mại.

Tiêu thụ thép dài trong nước đã qua đáy

Tại sự kiện này, Tổng Giám đốc Thắng cũng chia sẻ thêm về tình hình tiêu thụ thép dài nội địa. Ông cho rằng tiêu thụ thép dài đã đạt đến đáy trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, nhờ vào đầu tư công và sự hồi phục của bất động sản.

"Rõ ràng, chúng ta cảm nhận được rằng đầu tư công trong năm 2023 và đặc biệt trong 2 năm tiếp theo sẽ có sự tăng trưởng đột biến. Còn thị trường bất động sản cũng đang ở đáy, nhưng với bất động sản, điểm khó là không biết giai đoạn đáy kéo dài bao lâu. Tôi tin rằng bất động sản sẽ có hướng đi lên, nhưng tốc độ sẽ không nhanh, ít nhất là trong năm 2024", ông nói.

Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng giải đáp các câu hỏi của nhà đầu tư

Thép dài được sử dụng trong hai thị trường là thị trường công trình và thị trường dân dụng. Với thị trường công trình, tiêu chuẩn sử dụng thép cao hơn, thép cường độ cao, là những sản phẩm phù hợp với Hoà Phát. Hiện tại, các dự án như cầu lớn, sân bay Long Thành và nhà ga T2 ở Tp.HCM đang sử dụng thép của HPG cho các hạng mục quan trọng.

Bên cạnh tiêu thụ trong nước, Hoà Phát cũng đang tăng cường xuất khẩu thép dài. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết xuất khẩu thép dài khó khăn hơn so với thép HRC do sự cạnh tranh khốc liệt.

Đối với năm 2024, lãnh đạo Hoà Phát kỳ vọng sản lượng thép dài sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ 10-20% so với năm trước.

Vũ Hạo

FILI