ACV muốn tăng vốn để rút ngắn thời gian hoàn thành sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất

date
04/03/2024 07:30

ACV muốn tăng vốn để rút ngắn thời gian hoàn thành sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất

ACV kiến nghị sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại của Tổng Công ty, tiến tới tăng vốn bằng khu bay để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay, giảm sự chủ động cho doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư phát triển.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV. Ảnh VGP

Báo cáo tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu ngày 03/03, Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin, trong 2 tháng đầu năm phục vụ Tết, sản lượng khách quốc tế tiếp tục tăng 44%. Như vậy, thị trường khách quốc tế đã tăng trở lại như cùng kỳ của Tết năm 2020. Doanh thu, lợi nhuận của Tổng Công ty cũng đều tăng.

Các thị trường Australia, Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á đều có sự tăng trưởng. Các cảng hàng không quốc tế có sự tăng trưởng rất lớn như Phú Quốc tăng đến 282%, Cam Ranh 184%, Phú Bài 100%, Nội Bài, Đà Nẵng tăng từ 35 - 45%.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, ACV đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt 3 đề án quan trọng là chiến lược phát triển, tái cơ cấu, đầu tư xây dựng cơ bản trung hạn. Hiện nay, ACV đang triển khai đồng loạt dự án với tổng mức đầu tư là 138,000 tỷ đồng trên tổng số 165,000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm thực hiện kế hoạch trung hạn.

Ngoài các dự án trọng điểm thì có các dự án mà Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đạo, và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thông qua, đưa vào kế hoạch trung hạn, ví dụ như Đồng Hới, Tuy Hòa… Như vậy, đến năm 2025, 2026, tổng công suất sẽ lên hơn 150 triệu hành khách/năm, do đó tổng tài sản của Tổng công ty cũng sẽ lên đến khoảng 115,000 tỷ đồng, so với 45,000 tỷ đồng của năm 2016 khi thực hiện cổ phần hóa.

Phối cảnh sân bay Long Thành

Về các dự án, ACV quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo Chính phủ, dự án trọng điểm Tân Sơn Nhất sẽ về đích trước 2 tháng để kịp kỷ niệm nhân dịp Ngày Giải phóng miền Nam (30/04), hay dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng Công ty cũng sẽ phấn đấu về đích tối thiểu trước 2 tháng.

Để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, ACV kiến nghị sớm phê duyệt tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại của Tổng Công ty, tiến tới tăng vốn bằng khu bay để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước vào đầu tư nâng cấp sửa chữa các khu bay, giảm sự chủ động cho doanh nghiệp cảng trong việc đầu tư phát triển.

ACV kiến nghị thông qua cơ chế chung về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không. Đồng thời, sớm phê duyệt triển khai đề án xã hội hóa. Bộ Giao thông vận tải trình, báo cáo để huy động khối tư nhân cùng ACV trong việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị tăng vốn lên trên 10 ngàn tỷ đồng

Ông Nguyễn Năng Toàn - Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh VGP

Tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn đề nghị sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó cần cụ thể hóa các quy định về vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, về đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, trên cơ sở tổng thể theo mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp không tách riêng từng dự án, từng danh mục đầu tư...

Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước theo hướng cho phép một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Năng Toàn đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để Tổng Công ty tiếp nhận, đầu tư và khai thác các cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, trọng điểm về kinh tế.

Tân Cảng Sài Gòn cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cấp vốn trung và dài hạn đảm bảo cho Tổng Công ty được phát triển các dự án trọng điểm vừa tạo thế cạnh tranh bền vững vừa đảm bảo thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể là chấp thuận và tạo điều kiện để Tổng Công ty tăng vốn điều lệ từ 6,931 tỷ đồng lên 10,445 tỷ đồng.

Tùng Phong

FILI