Vietnam Airlines tiếp tục “bài ca thua lỗ” trong quý 4, lỗ lũy kế gần 41,000 tỷ đồng

date
31/01/2024 16:23

Vietnam Airlines tiếp tục “bài ca thua lỗ” trong quý 4, lỗ lũy kế gần 41,000 tỷ đồng

Đã 4 năm trôi qua, cổ đông của Vietnam Airlines (HOSE: HVN) chưa biết cảm giác có lãi là như thế nào. Trong quý 4/2023, hãng hàng không quốc gia thậm chí còn lỗ gộp.

Kết quả kinh doanh hàng quý của Vietnam Airlines

Trong 3 tháng cuối năm, Vietnam Airlines chứng kiến hoạt động cốt lõi đi xuống so với 3 quý trước đó. Hãng hàng không này dù ghi nhận doanh thu tăng vọt so với cùng kỳ, nhưng vẫn lỗ gộp 189 tỷ đồng.

Điểm sáng nằm ở chỗ chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm rất mạnh so với cùng kỳ, xuống mức tương ứng 750 tỷ đồng và 990 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có thêm lợi nhuận khác 285 tỷ đồng trong quý 4/2023.

Cả thảy, Vietnam Airlines lỗ ròng 2,065 tỷ đồng trong quý 4/2023. Con số lỗ dù nhẹ hơn cùng kỳ, nhưng chẳng thể nào xoa dịu nỗi lòng của các cổ đông. Họ đã chịu cảnh thua lỗ trong 16 quý liên tiếp và vẫn chưa có dấu hiệu xoay chuyển nào từ phía hãng hàng không quốc gia.

Kết quả kinh doanh quý 4/2023 của Vietnam Airlines

Đvt: Tỷ đồng

Lũy kế cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 91,460 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng tăng mạnh trong thời hậu dịch COVID-19. Nhưng lỗ ròng hơn 5,800 tỷ đồng.

Theo lý giải từ Vietnam Airlines, trong năm 2023, thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, hoạt động vận tải hành khách trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao. Ngoài ra, thị trường hàng không còn gặp phải nhiều yếu tố tiêu cực như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột địa chính trị và các rủi ro tỷ giá.

Lỗ ròng 4 năm, nhưng cổ phiếu vẫn được ở lại sàn HOSE?

Đến nay, hãng hàng không quốc gia đã lỗ ròng 4 năm liên tiếp, lỗ lũy kế gần 41,000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 17,000 tỷ đồng. Như vậy, cổ phiếu Vietnam Airlines đã vi phạm các quy định của HOSE và có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn có thể ở lại sàn HOSE nếu dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán được thông qua và Chính phủ muốn HVN ở lại sàn.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.

Điều khoản dự thảo bổ sung này có thể được xem là phao cứu sinh để cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tiếp tục duy trì niêm yết trên sàn HOSE.

Tài chính bấp bênh

Ngoài ra, tình hình tài chính của Vietnam Airlines cũng đáng ngại.

Trên bảng cân đối kế toán, hãng bay này sở hữu hơn 14,800 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại cuối năm 2023, trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 3,500 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn ở mức 6,000 tỷ.

Trong khi đó, nợ ngắn hạn lên tới 60,600 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn hơn 17,500 tỷ đồng.

Vũ Hạo

FILI