Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Shinhan Việt Nam: 2024 là năm bản lề cho giai đoạn phát triển mới sau giai đoạn “thanh lọc”

date
04/01/2024 09:02

Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Shinhan Việt Nam: 2024 là năm bản lề cho giai đoạn phát triển mới sau giai đoạn “thanh lọc”

Đưa ra nhiều nền tảng mong chờ sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024, Phó Tổng Giám đốc SSV vẫn không quên cảnh báo nhà đầu tư cần theo dõi thêm các biến số có thể gây tác động bất ngờ trong năm 2024.

Với vai trò là nhà đầu tư (NĐT) Hàn Quốc tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Yang Seung Won - Phó Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) đã có những chia sẻ về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 và kỳ vọng vào năm 2024.

Nhìn lại năm 2023, ông Yang Seung Won nhìn nhận có nhiều yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về pháp lý, cùng với Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, ông Yang Seung Won kỳ vọng Luật đất đai cũng sẽ sớm được thông qua để hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, giúp gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, tiếp thêm động lực cho sự phục hồi của ngành bất động sản cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng được mong chờ với các quy định liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, cho vay và sở hữu cổ phần tại các ngân hàng, giúp tăng tính an toàn cho toàn hệ thống cùng với việc nâng cao minh bạch thông tin nhằm củng cố niềm tin của NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài khi nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện đang chi phối vốn hóa trên thị trường chứng khoán, chiếm hơn 30% vốn hóa VN-Index và 50% vốn hóa VN30.

Về chính sách tiền tệ, dù không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành, ông Yang Seung Won kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên những chính sách giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc hài hòa giữa các chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh gây những “cú sốc” tâm lý trên thị trường chứng khoán cũng là điều NĐT mong chờ.

Đối với mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Shinhan Việt Nam mong chờ sớm có những chính sách để tháo gỡ 2 vấn đề quan trọng nhất là: Ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Việc tạo cơ chế cho công ty chứng khoán (CTCK) được phép bảo lãnh cho các khách hàng nước ngoài khi họ mua cổ phiếu và triển khai chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (Non-Voting Depositary Receipt - NVDR) là những giải pháp khả thi, có thể triển khai sớm để không lỡ hẹn mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi năm 2025, tương xứng với quy mô và triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của NĐT nước ngoài.

Từ năm 2021, sau khi Kuwait được nâng hạng thị trường mới nổi, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên MSCI và thu hút được các quỹ đầu tư lớn với quy mô hàng trăm triệu USD. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư đang phân bổ vào thị trường mới nổi với quy mô lớn hơn rất nhiều lần, tổng hơn 800 tỷ USD theo số liệu từ Bloomberg.

“Tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và tin rằng nền kinh tế có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong thập niên tới. Vì vậy, các NĐT Hàn Quốc nói chung và bản thân chúng tôi đánh giá rất cao cơ hội đầu tư vào Việt Nam, không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và ngân hàng mà còn đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực bảo hiểm, quản lý tài sản và đặc biệt là chứng khoán trong những năm gần đây”, ông Yang Seung Won chia sẻ.

Đối với các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, NĐT Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến: (1) Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước có quy mô lớn và tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam; (2) các doanh nghiệp logistics và bất động sản khu công nghiệp với kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất của thế giới sau khi nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, và mới đây là Mỹ, Nhật; và (3) các công ty chứng khoán với kỳ vọng nhóm này được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài năm tới khi hệ thống KRX được đưa vào vận hành.

Thị trường chứng khoán trong năm 2023 có thể nói là không có nhiều thông tin tích cực, do nhiều thông tin bắt bớ cũng như các thông tin tiêu cực từ thế giới ảnh hưởng; thế nhưng ông Yang Seung Won tin rằng năm 2024 sẽ là năm bản lề cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam sau giai đoạn “thanh lọc”.

Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ ưu tiên trong năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ở mức cao từ 6-6.5% và lạm phát được kiểm soát quanh 4-4.5% trong năm 2024. Chính phủ tiếp tục nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và thực hiện các chính sách hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản và giải tỏa áp lực nợ xấu ngân hàng. Đây là nền tảng cơ bản vững chắc cho sự ổn định và từng bước hồi phục của thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ cũng được kỳ vọng sẽ được các NHTW trên thế giới cân nhắc, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm hơn, thậm chí suy thoái ở một số khu vực do tác động có tính chu kỳ của việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Việc giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW trên thế giới, nếu sớm xảy ra, sẽ giúp giảm bớt áp lực cho tỷ giá và đồng thời cũng là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán.

Ông Yang Seung Won đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024.

Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thành tích tốt hơn trong năm 2024 với mức tăng 20-30% lên vùng 1,350-1,450 điểm từ vùng giá hiện tại (quanh 1,100 điểm), tương đương với P/E mục tiêu 15x và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết ở mức 15%. Vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, nâng hạng thị trường mới nổi MSCI sẽ mang lại những kỳ vọng lớn hơn, có thể giúp VN-Index sớm thử thách vùng đỉnh cũ quanh 1,550 điểm.

Ở kịch bản tiêu cực, khi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chưa đem lại kết quả như kỳ vọng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xấu đi, VN-Index cần thêm thời gian để tích lũy quanh vùng giá hiện tại 1,050-1,250 điểm.

Tuy nhiên, ông Yang Seung Won cũng lưu ý rằng, bất ổn địa chính trị cùng với những rủi ro bất ngờ từ các cuộc bầu cử lớn trong năm 2024 có thể là nguồn cơn cho những bất ổn về kinh tế và gây tác động lên thị trường chứng khoán. Đó sẽ là những vấn đề NĐT cần theo dõi thêm trong năm 2024.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI