Hoạt động đàm phán gia hạn trái phiếu diễn ra ồ ạt sau Nghị định 08

date
08/06/2023 13:00

Hoạt động đàm phán gia hạn trái phiếu diễn ra ồ ạt sau Nghị định 08

Khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành đầu tháng 3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ “ấm” dần lên, xuất hiện nhiều đợt phát hành với khối lượng huy động hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, thực tế lại không như kỳ vọng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 3 có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 26,425 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 4, chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2,671 tỷ đồng, thấp hơn đến 90% so với tháng trước và thấp hơn 84% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo các dữ liệu mới nhất, con số này trong tháng 5 là bằng “không” (tính tới 26/05).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 31,658 tỷ đồng, với 7 đợt ra công chúng trị giá 5,521 tỷ đồng (chiếm 17%) và 15 đợt riêng lẻ trị giá 26,137 tỷ đồng (chiếm 83%).

Cũng theo VBMA, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng do các yếu tố bất lợi từ cuối năm 2022 vẫn còn, song song đó là khó khăn về dòng tiền khiến doanh nghiệp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Tổng giá trị đáo hạn TPDN trong thời gian còn lại của năm 2023 là 195,265 tỷ đồng, dẫn đầu là nhóm bất động sản (101,179 tỷ đồng), theo sau là ngân hàng (31,661 tỷ đồng).

Nguồn: VBMA

Đằng sau việc chậm thanh toán lãi trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, trong quý 1/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19,200 tỷ đồng. Theo thống kê của người viết, từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5 (theo ngày công bố thông tin), có khoảng 26 doanh nghiệp công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Đại đa số doanh nghiệp đều gặp khó khăn về dòng tiền, chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán lãi cho trái chủ, tập trung phần lớn ở nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, mới đây CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam (ĐXMN) có thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu MNRCH2123001 lần thứ 5. Theo kế hoạch, Đất Xanh Miền Nam phải thanh toán kỳ lãi thứ 12 đến thứ 16 trong thời gian từ 15/02 - 31/05, nhưng do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán nên ĐXMN đã có công văn về việc chậm thanh toán lãi, lùi về ngày 30/06 sẽ thanh toán hết tất cả kỳ trên với tổng số tiền khoảng hơn 7.7 tỷ đồng. Năm 2022, Công ty lỗ sau thuế 122 tỷ đồng, năm trước đó chỉ lãi gần 16 triệu đồng.

CTCP Tập đoàn Thái Tuấn cũng chưa thanh toán tiền gốc của trái phiếu TTDCH2122001 và trái phiếu TTDCH2122002, lần lượt là 300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, dù thời gian đáo hạn đã qua đi. Số tiền lãi chưa thanh toán hơn 71 tỷ đồng.

Số tiền lãi mà CTCP Kinh doanh Bất động sản S-Việt Nam (mã trái phiếu SVNCH2124001) chưa thanh toán cho trái chủ (ngày 07/04) vẫn còn hơn 106 tỷ đồng, trong khi số tiền gốc 2,500 tỷ đồng còn bỏ ngỏ.

Tương tự, CTCP Đầu tư Summer Beach chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu mã SUJCH2125001 với tiền lãi hơn 55 tỷ đồng. Trái phiếu này phát hành ngày 30/12/2021, kỳ hạn 48 tháng với tổng giá trị phát hành là 1,500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ngày 16/04, Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn sẽ trả lãi gần 576 tỷ đồng cho trái chủ (mã trái phiếu TRINHGIANGUYEN.BOND.2020). Nhưng trước đó, vào ngày 14/04, Công ty cho hay chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán với lý do đang đàm phán với trái chủ.

CTCP Hưng Vượng Developer, Công ty mẹ của CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt - chủ đầu tư dự án Venezia Beach theo kế hoạch phải trả hơn 34.7 tỷ đồng tiền lãi và 600 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu HVDCH2123001 vào ngày 02/02, nhưng đến 27/04 Công ty vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ. Còn Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát chậm trả gần 161 tỷ đồng trong tổng số 250 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu HPCCH2122001.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (HOSE: NVL) là doanh nghiệp thời gian qua liên tục công bố thông tin bất thường về chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Gần nhất là ngày 22/05, NVL cho biết đang chậm thanh toán gần 53 tỷ đồng tiền lãi và 1,000 tỷ đồng gốc của trái phiếu mã NVLH2123014; NVL cho biết đang cùng các bên liên quan xin ý kiến gia hạn từ trái chủ. Trước đó, NVL cũng thông báo chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu NVLH2123007 (gần 3 tỷ liền lãi) và NVLH2123003 (220 tỷ đồng gốc và 9.2 tỷ tiền lãi).

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, kể từ quý 4/2022, đã có nhiều tranh chấp liên quan tới TPDN và hầu hết đều liên quan đến ngành bất động sản, nhiều chủ đầu tư đã rơi vào tình trạng ”vỡ nợ kỹ thuật” do vi phạm giá trị tài sản đảm bảo và không thu xếp thanh toán được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Trong số chủ đầu tư đã niêm yết, NVL có thể là nhà phát hành lớn nhất rơi vào tình trạng như vậy.

SSI đánh giá, với Nghị định 08, nhà phát hành trái phiếu đã có khung pháp lý để đàm phán với trái chủ nhằm kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu hoặc hoán đổi trái phiếu đang lưu hành thành tài sản khác là bất động sản. Điều này đã giúp giảm bớt áp lực trả nợ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, hầu hết trái phiếu được tái cấu trúc thành công đều do các trái chủ tổ chức nắm giữ, trong khi những trái phiếu bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang gặp khó khăn đàm phán. Do đó, áp lực trả nợ trái phiếu vẫn còn khá lớn.

Nhiều doanh nghiệp lùi kỳ hạn, tăng lãi suất trái phiếu

Trước bối cảnh hoạt động phát hành trái phiếu gần như “đóng băng”, việc đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra sôi nổi. Dữ liệu từ VBMA cho thấy, trong tháng 4, có 20 doanh nghiệp đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ. Tháng 5, có thêm khoảng 16 doanh nghiệp đàm phán thành công với trái chủ về việc lùi kỳ hạn thanh toán và thay đổi các điều khoản khác có liên quan.

Gần nhất, CTCP Tập đoàn Sovico thông tin về việc lùi kỳ hạn các trái phiếu mã SVC06202301 và 7 trái phiếu có mã từ SVC07202301 đến SVC07202305 thêm 2 năm. Theo đó, trái phiếu SVC06202301 sẽ đáo hạn vào đầu tháng 06/2025, lô còn lại vào cuối tháng 07/2025. Đầu tháng 5, Doanh nghiệp này cũng lùi kỳ hạn 52 trái phiếu khác thêm 2 năm.

Một số tổ chức phát hành khác có thời gian lùi kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Như trường hợp trái phiếu TRINHGIANGUYEN.BOND.2020 của Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn lùi kỳ hạn từ 84 tháng lên 108 tháng. Các nội dung về kỳ trả nợ gốc, lãi cũng được bổ sung.

Nội dung thay đổi về kỳ hạn của trái phiếu TRINHGIANGUYEN.BOND.2020
Nguồn: HNX

CTCP Địa ốc Phú Long hay CTCP Roman E&C cũng lùi thời hạn thanh toán trái phiếu thêm 24 tháng.

Ngày 12/05, CTCP Đầu tư Hội nhập Toàn Cầu (mã trái phiếu: GINCH2224001) bổ sung giá trị tài sản đảm bảo trái phiếu từ 410.5 tỷ đồng lên 506.5 tỷ đồng. Trước đó, Công ty chậm thanh toán gần 33 tỷ đồng lãi đến hạn ngày 14/04.

Thay đổi nội dung về kỳ trả lãi của trái phiếu GINCH2224001
Nguồn: HNX

CTCP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định lùi thời gian đáo hạn thêm 1 năm trái phiếu GDSCH2123001. Sau điều chỉnh, trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 10/05/2024. Song song đó, Công ty sẽ phải mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu với tiến độ theo từng thời điểm cụ thể. Mặt khác, nội dung tính lãi cho từng kỳ thanh toán cũng được điều chỉnh. Tăng lãi suất lên 13.5%/năm cho kỳ tính lãi 9 và 10 và 14%/năm cho kỳ 11 và 12.

CTCP Đầu tư Ngôi Sao Gia Định lùi thời gian đáo hạn thêm 1 năm trái phiếu GDSCH2123001
Nguồn: HNX

CTCP Kita Invest cũng kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 6 tháng để giảm áp lực tài chính và ổn định hoạt động kinh doanh đối với lô trái phiếu 500 tỷ đồng (mã KITA.BOND2020.03). Ngày đáo hạn ban đầu 05/05 được lùi đến 05/11/2023.

Bên cạnh việc lùi thời gian đáo hạn trái phiếu, nhiều tổ chức phát hành còn tăng lãi suất thanh toán cho trái chủ hay gia hạn ngày thanh toán lãi.

Chẳng hạn, Bất động sản Phát Đạt (PDR) gia hạn lô trái phiếu PDR2123002 trị giá 148 tỷ đồng, tiến độ mua lại trái phiếu chia làm 3 đợt, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 tới đây, với tỷ lệ hoàn trả lần lượt mỗi tháng là 30%, 30%, 40%. Lãi suất hiện hành tăng từ 13% lên 15%/năm. Tương tự, 65 tỷ đồng trái phiếu PDR2123003 chia làm 3 đợt mua lại từ tháng 6 đến tháng 8, lần lượt mỗi tháng 30%, 30%, 40%.

CTCP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (mã trái phiếu CTACH2123001) cũng lùi thời gian đáo hạn thêm 1 năm và tăng lãi suất cố định trái phiếu từ 11% lên 12.6%/năm. Lô trái phiếu này có tổng trị giá 600 tỷ đồng, tính tới ngày 31/03, dư nợ còn 466 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư Gia sản iWealth thay đổi điều khoản tính lãi đối với trái phiếu HBDCB2124001. Ở kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất 9%/năm, thay vì “tối đa” 9%/năm. Từ kỳ 2 đến kỳ 7, bằng tổng của 2.78% và lãi suất tham chiếu; kỳ thứ 8 đến ngày đáo hạn là 9%/năm.

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam (mã trái phiếu DCTCH2124001) cũng thay đổi lãi suất. Theo đó, từ 28/06/2022 đến 28/06/2023 lãi suất cố định 12.3%/năm, các kỳ còn lại lãi suất cố định 10%/năm thay vì 10%/năm cho tất cả kỳ như trước.

Một số doanh nghiệp khác đạt được thỏa thuận về việc điều chỉnh thời gian thanh toán của các đợt mua lại trước hạn trái phiếu. CTCP Hưng Thịnh Land đã lùi thời gian mua lại lô trái phiếu mã HTLAND.2020.TV01 chậm hơn ngày 20/04 và trái phiếu H79CH2123002 chậm hơn ngày 19/04.

Nội dung điều chỉnh thời gian mua lại trái phiếu mã H79CH2123002
Nguồn: HNX

Ngày 17/05, Bộ Tài chính có công văn đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn chi trả, doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm cả việc thanh toán bằng các tài sản khác và kéo dài kỳ hạn…

Doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định; các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, tiếp tục chủ động công bố thông tin, tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin chính thống về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Duy Khánh

FILI