Có đủ mạnh để lấy lại lòng tin?

date
21/05/2022 08:57

Có đủ mạnh để lấy lại lòng tin?

Sau những ngày giảm giá sốc khiến chỉ số VN-Index rơi vào vùng thị trường con gấu (bear market) thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có một số động thái như yêu cầu công bố trở lại thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, điều chỉnh cách tính giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thực hiện giao dịch lô lẻ trong thời gian sắp tới. Cùng với đó là kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính đối với một số công ty chứng khoán, công ty kiểm toán. Trước đó, Chính phủ cũng đã gửi gắm thông điệp làm lành mạnh hóa thị trường, phát triển thị trường minh bạch và bền vững. Nhưng những điều này có trấn an được các nhà đầu tư cá nhân? Có đủ mạnh để giữ được niềm tin với thị trường?

Các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ luôn bị lép vế trước các nhà đầu tư tổ chức. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

Nuông chiều số ít

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có số tài khoản giao dịch gần như tuyệt đối thuộc về các tài khoản cá nhân. Tính đến cuối tháng 4-2022, số tài khoản cá nhân là 5,16 triệu tài khoản và chiếm đến 99,8% tổng số tài khoản giao dịch. Tuy vậy các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ luôn bị lép vế trước các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán.

Thiệt thòi đầu tiên của nhà đầu tư nhỏ lẻ là việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Các nhà đầu tư tổ chức, trong đó có các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư thường được ưu tiên tiếp cận trước các thông tin quan trọng. Các báo cáo khuyến nghị thường công bố một vài ngày sau đó cho nên việc mua trước hay bán trước để có lợi cho mình là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thiệt thòi thứ hai là thông tin về cho vay margin của các công ty chứng khoán. Tình trạng cho vay margin khi đến mức căng thì rủi ro rất nhiều cho nhà đầu tư cá nhân, vì các công ty chứng khoán có thể bắt tay với nhau, hoặc có thể bắt tay với một nhóm nhà đầu tư lớn để tác động đến giá chứng khoán, khiến nhà đầu tư bị rơi vào tình trạng “margin call” và có thể bị “forced sell”. Chỉ cần trong một phiên giao dịch, biên độ dao động của một cổ phiếu lên đến 7% thì cũng là rất lớn: ví dụ đầu ngày cổ phiếu tăng 0,5% nhưng đến giữa phiên thì nằm sàn, giảm 7%, rồi đến cuối phiên thì tăng lại như mức buổi sáng. Như vậy nhìn dữ liệu theo ngày thì chứng khoán không có biến động gì nhưng trong cùng ngày thì có thể “forced sell” nhiều nhà đầu tư.

Trong môi trường mà bất cân xứng thông tin luôn tồn tại thì sẽ có một bên trục lợi. Nhưng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là giảm thiểu tối đa các nguy cơ này. Bên yếU thế hơn luôn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Thiệt thòi thứ ba là khi nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu nào đó dài hạn và công ty lạm dụng cơ chế cổ phiếu thưởng cho nhân viên (ESOP) vì những người được mua ưu đãi sẽ được hưởng một khoản lợi ích lớn, và các cổ đông là người chịu thiệt. Lấy ví dụ một công ty hiện có 100 triệu cổ phiếu lưu hành, giá hiện tại của một cổ phiếu là 100.000 đồng, và giá bán ưu đãi theo mệnh giá là 10.000 đồng, phát hành ưu đãi 0,5% lượng cổ phiếu lưu hành thì khoản lợi ích tạo ra/mất đi là 450 tỉ đồng.

Và thiệt thòi cuối cùng đối với các nhà đầu tư cá nhân là nhiều công ty niêm yết không phản ánh đúng lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp vào trong báo cáo tài chính. Không ít doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thấy là rất hiệu quả, nhưng đến kỳ báo cáo tài chính thì lợi nhuận rất èo uột, chỉ đủ theo quy định và chia một phần cổ tức cho cổ đông, còn lợi nhuận thì bằng cách nào đó được các cổ đông lớn, hay chủ doanh nghiệp “chuyển hóa”. Chính vì vậy mà chỉ số VN-Index dù có tăng nhưng vẫn chưa đúng với thực lực của một nền kinh tế đang có nhiều lợi thế phát triển như Việt Nam, lợi nhuận bị làm giảm sẽ kéo theo giá trị trường giảm để duy trì một mức P/E hợp lý, hoặc nhìn qua có vẻ hấp dẫn.

Đừng tham bát bỏ mâm

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ nhóm cận biên (frontier) lên mới nổi (emerging) là điều hết sức cần thiết và cần làm sớm nhất có thể để phát triển một kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Bởi vì thị trường chứng khoán ở một trình độ phát triển hơn sẽ thu hút không chỉ nguồn vốn đầu tư từ trong nước mà có cả dòng vốn quốc tế. Các quỹ đầu tư lớn ở các nước giàu có, phát triển luôn dành một tỷ trọng đáng kể trong danh mục của mình cho các nền kinh tế đang phát triển.

Mà muốn được như vậy thì phải nâng cấp hạ tầng giao dịch, các quy định giao dịch cần theo đúng chuẩn mực của các thị trường mới nổi hay đã phát triển. Chẳng hạn như việc khớp lệnh phải thông suốt giữa các công ty chứng khoán và sở giao dịch, áp dụng T+0 và cho phép bán khống (short selling). Và quan trọng hơn nữa là việc xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán như giao dịch nội gián, thao túng thị trường.

Dĩ nhiên trong môi trường mà bất cân xứng thông tin luôn tồn tại thì sẽ có một bên trục lợi. Nhưng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là giảm thiểu tối đa các nguy cơ này. Bên yếu thế hơn luôn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên chính vì vậy mà ở nhiều nước, có nhiều điều luật để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, như luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

Cũng như một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì phải dựa vào số đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thị trường chứng khoán cũng phải dựa vào các nhà đầu tư cá nhân. Vì một khi niềm tin vào thị trường chứng khoán bị lung lay thì họ sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác, mà có khi mức độ rủi ro còn cao hơn. Sự lệch lạc trong phân bổ nguồn lực tài chính của một quốc gia sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế. Thử hình dung, nếu người dân Việt Nam rút hết tiền khỏi thị trường chứng khoán và chỉ biết dồn hết vào bất động sản thì nền kinh tế sẽ bị méo mó như thế nào? Các doanh nghiệp tìm đâu ra nguồn vốn, dù là vốn cổ phần (equity) hay nợ (debt) để phát triển?

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG